Thông xe đường song hành cao tốc TP HCM – Long Thành sau 6 năm triển khai

Sau 6 năm triển khai, một phần đường song hành với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe sáng 17/9, giúp giảm ùn tắc cửa ngõ phía đông thành phố.

Đoạn đường được thông xe dài gần 3 km, rộng 20 m, 4 làn xe, nối từ tuyến Nguyễn Thị Định qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức. Trên đoạn này bao gồm xây cầu Bà Dạt, Mương Kênh, cùng hệ thống vỉa hè, chiếu sáng, thoát nước đồng bộ.
default
Một đoạn đường song hành cao tốc (bên trái) thông xe sáng 17/9. Ảnh: Hạ Giang

Công trình nêu trên là một phần dự án xây tuyến song hành cao tốc với tổng chiều dài gần 4 km, kết nối đại lộ Mai Chí Thọ đến Vành đai 2 được thông xe trước. Phần còn lại dài gần 700 m, nối đường Đỗ Xuân Hợp với Vành đai 2 chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng cùng thủ tục điều chỉnh dự án.

Khởi công năm 2017, tuyến song hành cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây được triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), tổng vốn lúc trước tính toán gần 870 tỷ đồng, đang chờ cập nhật. Công trình dự kiến xong sau 24 tháng, giúp giảm giúp áp lực giao thông nút giao An Phú và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phục vụ tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, dự án vướng mặt bằng cùng thủ tục thanh toán phải lùi tiến độ.

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng, gần 3 km của dự án hoàn thành giúp giảm ùn tắc cửa ngõ phía đông thành phố, nhất là khi công trình nút giao An Phú đang đồng loạt thi công nhiều gói thầu. Tuyến tạo thêm trục đường mới giúp san sẻ lượng xe qua khu vực thay vì dồn hết lên đường dẫn cao TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

“Việc thông xe đường song hành sẽ hỗ trợ tổ chức giao thông, giúp nhà thầu thuận lợi thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công nút giao An Phú”, ông Bằng nói và đề nghị các sở ngành liên quan cùng TP Thủ Đức sớm giải quyết thủ tục điều chỉnh hợp đồng BT, giải phóng mặt mặt bằng để nhà đầu tư hoàn thành đoạn còn lại của tuyến đường trong năm 2024.

duong song hanh cao toc
Hướng tuyến đường song hành. Đồ họa: Khánh Hoàng

Sau khi tuyến đưa vào khai thác, ôtô, xe máy, xe khách dưới 16 chỗ sẽ chạy hai chiều đoạn từ đường Đỗ Xuân Hợp đến Nguyễn Thị Định. Riêng đoạn từ Nguyễn Thị Định đến Mai Chí Thọ chỉ cho xe máy chạy.

Ngoài công trình trên, mới đây TP HCM đưa vào khai thác một số dự án giao thông trọng điểm như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), Vàm Sát 2 (Cần Giờ) giúp tăng kết nối giao thông ở các cửa ngõ. Nhiều công trình như cầu Nam Lý, Tăng Long, mở rộng đường Lương Định Của, Tân Kỳ Tân Quý… đang được triển khai trở lại sau thời gian dài chậm trễ vì vướng mặt bằng.

Gia Minh
Theo báo VnExpress